TRƯƠNG GIA TUẤN

Trương Gia Tuấn: Mượn thủy mặc vẽ nét đẹp cuộc đời

Những vùng phong cảnh nước non Việt, từ miệt An Giang, ra Phan Thiết, lên tận Hà Giang, hay loanh quanh phố thị Chợ Lớn… được họa sĩ trẻ Trương Gia Tuấn chọn lọc ký họa theo một góc nhìn, góc cảm nhận và khám phá rất riêng từ những chuyến thực địa, rồi sau đó sử dụng nghệ thuật thủy mặc thể hiện vùng cảnh quan, nét sinh hoạt đời thường ấy qua sắc màu, nét họa, tạo thành những tác phẩm thủy mặc đương đại, đậm nét đời.

Trưởng thành từ cái nôi của thư pháp, họa pháp Chợ Lớn, ở tuổi 26, nhưng Trương Gia Tuấn đã có đến thâm niên 10 năm cầm cọ, theo đuổi nghệ thuật thủy mặc cổ điển được truyền dạy từ người thầy, cũng là người bác của mình là họa sư Trương Lộ. Dù mới “trình làng” những năm gần đây, Trương Gia Tuấn đã tạo được dấu ấn riêng qua các loạt tranh sáng tác với lối vẽ trực họa đề tài phong cảnh, nhịp sống, con người ở khắp miền đất nước. 

Được học cơ bản từ nghệ thuật thủy mặc cổ điển, với các đề tài quen thuộc như hoa điểu, trúc mai, tùng hạc, lan thạch… khi chuyển sang lối vẽ trực họa, Trương Gia Tuấn chia sẻ: “Hội họa cổ điển dạy vẽ theo bút pháp truyền thống, nhưng khi ra đời, mọi thứ khác hoàn toàn vì phải vẽ sao cho ra chất đời. Tả mái tôn phải ra, khúc gỗ phải vẽ ra được chất gỗ, đến cành cây, cục đá cũng vậy, rất nhiều thứ không hề giống với các thủ pháp sử dụng trong hội họa cổ điển. Việc chuyển thể ở thời gian đầu khó khăn lắm, phải luyện vài ba năm, đi ký họa liên tục mới dần cải thiện được. Thầy dạy cách sáng tác là đi gặp thực cảnh, ký họa, và sửa trực tiếp trên cảnh thực, gọi là đối cảnh sáng tác. Lấy phong cảnh trước mắt làm đề tài, làm gợi ý để ứng biến thành tác phẩm của riêng mình”. 

“Cách phối màu sắc trong nghệ thuật thủy mặc cũng là một thử thách, kỹ thuật pha màu dù được học, nhưng cần kinh nghiệm, tôi thất bại nhiều lần vì pha màu không đạt như ý”

“Phong cảnh là đề tài yêu thích, được đi là được học, chưa đi thì khó hình dung, chỉ khi tiếp cận mới thấy cái đẹp của phong cảnh, tạo cảm xúc để chuyển vào tác phẩm”

Ở đề tài phố thị, Trương Gia Tuấn có loạt tranh thể hiện về Chợ Lớn ở nhiều góc độ thú vị, cũng nhờ lợi thế là người Hoa, sinh ra và lớn lên ở vùng Chợ Lớn nên Trương Gia Tuấn đã có cách thể hiện các đề tài rất gần gũi, chân thật và sống động, nhất là ở mảng phong cảnh kiến trúc cổ và sinh hoạt đời thường. Họa sĩ dòng tranh thủy mặc thường sử dụng những bút pháp để miêu tả hình – ý như công bút, ý bút, bán công ý… Trong cách thể hiện của mình, Trương Gia Tuấn thường sử dụng ý bút bởi thủ pháp ấy dễ dàng miêu tả hoạt cảnh đời thường – một đề tài mà Trương Gia Tuấn say mê theo đuổi.

Nhìn trong tranh của Trương Gia Tuấn, có thể thấy tác giả lựa chọn sử dụng những gam màu thâm trầm, tạo cho tác phẩm mang nét đẹp sâu lắng, đầy tình cảm, đậm chất đời. Đó là nét quê từ những nếp nhà sàn ven sông miệt Châu Đốc, An Giang, những xe hàng rong với cảnh sinh hoạt quen thuộc phía sau chợ Bình Tây, Chợ Lớn, hay nét đẹp huyền ảo nơi núi non điệp trùng ở Tả Sử Choóng, Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang… Mỗi tác phẩm, như một lời tình tự, thuật lại câu chuyện của người họa sĩ bằng nét, màu, bằng cảm nhận chân thực từ mỗi chuyến sáng tác, bởi: “Thầy dạy mình phải thường xuyên đi thực tế. Không cảm được cảnh thực thì làm sao trong đầu có cảnh để vẽ. Mỗi chuyến đi luôn học hỏi được nhiều điều, không chỉ là khám phá nét đẹp quê hương, mà còn là cái tứ làm nền cho sáng tác”.

“Tôi thích vẽ Chợ Lớn, phần bởi ảnh hưởng từ bác Trương Lộ. Tôi chú trọng kiến trúc cũ xen lẫn với đời sống thực tại, vì sau này những kiến trúc đó có khi không còn giữ được vẻ đẹp như bây giờ nữa”

Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 197

Link bài viết gốc: https://ktds.vn/truong-gia-tuan-muon-thuy-mac-ve-net-dep-cuoc-doi?fbclid=IwAR0z4ntGEHvT721CLxz3j9eM8R6pi22vIyw0d-EHlZNPWxav8worX5DaVH0

Similar Posts